Quảng cáo, rao vặt làm đường phố nhếch nhác
Tại TPHCM, tình trạng dán tờ rơi, viết vẽ quảng cáo tràn ngập các trụ đèn, cột điện, vách tường... dọc đường phố đã tác động xấu đến mỹ quan đô thị nhiều năm nay nhưng không thấy cơ quan nào xử lý
Dọc các tuyến đường ở TPHCM, những trụ điện, vách tường đều bị dán chi chít các mẫu quảng cáo, rao vặt, môi giới, số điện thoại với vô số loại hình dịch vụ như khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, thuốc chữa yếu sinh lý... đã làm mất mỹ quan đô thị, gây ra hình ảnh phản cảm trong mắt người dân và du khách.
Trụ điện trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú-TPHCM) bị dán chi chít các tờ quảng cáo
Chỗ nào cũng quảng cáo
Đường Trần Nhân Tôn, Trần Bình Trọng (Q.10), An Dương Vương (Q.5), Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú)... hầu như không có trụ điện nào sạch sẽ mà đều bị dán những tờ quảng cáo, rao vặt. Tại trụ điện trên đường Trần Bình Trọng (Q.10), có rất nhiều tờ quảng cáo được dán lên, nào là trung tâm gia sư, nhận dạy kèm tại nhà... Kế đó là tờ giấy ghi dịch vụ rút hầm cầu, liên hệ điện thoại số 090..., rồi nhà bán gấp, liên hệ 0912... Nhiều tờ quảng cáo đã ố vàng, có tờ bị xé nửa, cũng có tờ còn mới toanh.
Không chỉ trụ điện, tại những bức tường dọc hai bên đường cũng làm nơi quảng cáo. Đường Tô Hiến Thành (Q.10) bị bôi xịt sơn trông rất nhếch nhác với các nội dung: cần bán gấp nhà, công ty chuyển chỗ, cấm tiểu bậy... Chị Nguyễn Thị Bích sống gần đó bức xúc: “Ban đầu, bức tường rất sạch đẹp nhưng giờ thì quá nhếch nhác vì chi chít những mảng sơn xịt, giấy quảng cáo. Tôi đã nhiều lần lột bỏ nhưng cứ qua một đêm là tình trạng lại như ngày hôm trước”.
Tại các tuyến đường khác như Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), Điện Biên Phủ (Q.3), Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh)... cũng nhan nhản các tờ rơi quảng cáo đủ màu sắc trên cột điện, vách tường.
Tại các trạm xe buýt, bờ rào quanh các công trường cũng dán rất nhiều tờ rơi quảng cáo từ gia sư, việc làm đến bán điện thoại, máy tính, hình người mẫu, ca sĩ và cả khoan cắt bê tông, sửa tivi tận nhà.
Những kiểu quảng cáo, rao vặt này không tốn nhiều kinh phí nên thường được sử dụng. Chỉ cần một ít sơn hoặc một tờ giấy khổ 20 x 25 cm là có ngay một mẫu quảng cáo. Vì vậy, ngày càng có nhiều mẩu giấy, sơn được dán chồng chất lên trụ điện, trạm xe buýt... Những mẩu giấy được dán lâu ngày bị hoen ố, bong ra, tạo nên hình ảnh nhếch nhác trên đường phố.
Các mẩu sơn mưa không trôi, nắng không phai, làm cho vách tường nhà dân, công ty, nhà máy... bị ố bẩn. Nhiều người đã lên tiếng về tình trạng này, song lâu nay nó vẫn tiếp diễn mà không thấy ai đứng ra giải quyết. Trên tất cả các mẫu quảng cáo, rao vặt đều có số điện thoại liên lạc, do đó, không mấy khó khăn để tìm ra “ thủ phạm” xả rác.
Cần phạt nặng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho biết theo quy định tại điều 50 Nghị định số 56/2006/NĐ – CP ngày 6-6-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng; đối với mỗi áp phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng nơi quy định... và xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm về quảng cáo khác.
Theo đó, chủ tịch UBND các cấp, thanh tra viên, chánh thanh tra chuyên ngành các cấp của các ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa - thông tin có quyền xử phạt đối với các hành vi nêu trên theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Ông Hậu cho biết thêm, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, để thực hiện nếp sống văn minh, sạch đẹp như một số nước tiến bộ trên thế giới, cần sửa đổi mức phạt đối với các hành vi nêu trên theo hướng tăng mức tiền phạt.
Ngoài ra, cần tăng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra... Có như vậy, mức xử phạt mới có tác dụng răn đe và phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay hơn.
Tags: