Không quản được, lại siết!
Vài ngày qua, nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực từ trò chơi trực tuyến (game online – G.O), một số địa phương dự kiến sẽ sử dụng một số biện pháp như, cấm các trò chơi mang tính bạo lực; buộc tắt máy chủ sau 23 giờ; phân loại giao thức liên mạng (Internet protocol – IP) giữa cơ sở kinh doanh với khách hàng sử dụng bình thường...
Những biện pháp đang được cân nhắc thực hiện trên, không chỉ có giới kinh doanh trò chơi mạng, mà dư luận xã hội cũng băn khoăn. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, các nhà quản lý xã hội đã thể hiện thái độ bất lực trước những hiện tượng được cho là bất thường hay thái quá trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ắt hẳn người ta còn nhớ có một thời ngành bưu điện đã nhận được yêu cầu cắt các thuê bao điện thoại quảng cáo “ khoan cắt bêtông, hút hầm cầu, chữa trị yếu sinh lý...” dán lung tung trên bất kỳ khoảng trống nào trên đường phố; chuyện ngành giáo dục các địa phương cấm dạy thêm - học thêm; chuyện đề nghị cấm xe ngoại tỉnh; đề xuất sử dụng xe máy theo ngày lẻ, ngày chẵn trong tuần...
Và bây giờ là G.O. Trên thực tế, những biện pháp chặn đầu ngọn”, khi quản không được thì cấm đã không hạn chế được những quảng cáo dán tường trên đường phố; không vì vậy mà các đô thị lớn đỡ kẹt xe, học trò đỡ đi học ngoài giờ... Chưa bàn đến những giải pháp kỹ thuật áp dụng để hạn chế game online chơi vào giờ khuya là một khả năng gần như bất khả thi, mà những chỉ thị mang tính hành chính như vậy sẽ dẫn đến tình trạng ban phát, xin - cho, hoặc nảy sinh tiêu cực thường thấy giữa bên cung cấp với đối tượng sử dụng dịch vụ...
Hiện tượng GO không phải chỉ có ở nước ta. Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, hầu như giới trẻ của các nước trên khắp thế giới đều biết và sử dụng. Thế nhưng, tại sao ở ta, nó lại trở thành một vấn đề xã hội? Đặt vấn đề này, sẽ có rất nhiều nguyên nhân được các nhà nghiên cứu xã hội chỉ ra rất dễ dàng và không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được ngay. Thế nhưng, có một việc đơn giản mà hiện nay nhiều nước đang áp dụng hiệu quả, đó là luật pháp được thực hiện rất nghiêm trong việc quản lý hoạt động kinh doanh Internet.
Ví dụ hiện nay, tại nhiều địa phương của Thái Lan, sau 23 giờ, tất cả thanh - thiếu niên dưới 18 tuổi cũng không được phép ngồi tại các điểm kinh doanh - Internet công cộng. Hay tại Trung Quốc, tất cả các sản phẩm trò chơi trực tuyến đều phải trình lên một cơ quan giám sát thông qua mới được phát hành ra thị trường... Trong hội thảo quản lý GO được tổ chức tháng 5.2010 tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định rằng G.O không có lỗi.
Vấn đề chính ở đây - theo người chủ trì hội thảo - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: “Phát triển phải gắn với quản lý”. Vậy quản lý ở đây được hiểu không quản được là... cấm. Kinh nghiệm nhãn tiền từ bao lần trước: Các giải pháp chấm dứt nhiều vấn đề nan giải trong xã hội như dạy thêm - học thêm; hạn chế kẹt xe; xóa quảng cáo trên tường như nói trên... cho thấy, cơ quan hành chính chỉ ban hành biện pháp quản lý cho hết trách nhiệm, còn khả năng thực thi được hay không là việc của người khác, nên kết quả mang lại đã không như mong đợi.
Nguyễn Trung Hiếu
Tags: