Trước đây, bọ cạp là nỗi ám ảnh với bất cứ ai, thế nhưng khi nó trở thành món đặc sản thượng thặng ở nhiều quán nhậu, thì việc săn bọ cạp diễn ra như một nghề có thu nhập tươm tất.
Phát hiện nghề độc từ… quán nhậu
Mới đây, chúng tôi vào một quán nhậu khá lớn ở Q. Bình Thạnh (TP HCM) lần đầu tiên tình cờ phát hiện ra các món chế biến từ bọ cạp: Bọ cạp chiên; tẩm bột chiên bơ; nướng muối ớt… trong thực đơn liền kêu một đĩa bọ cạp chiên bơ để nếm thử.
Một nữ nhân viên phục vụ cho biết, hàng ngày bọ cạp được một người bỏ mối từ huyện Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai), ngoài ra còn được thu mua ở một số tỉnh miền Đông, miền Tây. Đĩa bọ cạp chiên bơ được mang lên nhìn ghê nghê, nhưng lại bốc mùi thơm phức.
Con nào con nấy đen bóng to như ngón chân cái, hai chiếc càng to như càng cua. Nhân viên phục vụ bảo, bọ cạp chủ yếu để ngâm rượu bồi bổ rất tốt cho sức khỏe, ngoài ra còn giúp cho nhiều người…
yếu sinh lý lấy lại phong độ, còn nếu ăn bọ cạp tươi thì đảm bảo “ông nhậu bà vui”. Mặc dù chẳng hào hứng gì với những con vật nhìn gớm ghiếc đó, nhưng chúng tôi cũng ăn thử xem sao và nhận thấy, bọ cạp có vỏ dai, dẻo, thịt vị ngọt, giá tới 25.000đ/con…
Lần theo lời chỉ dẫn của một nhân viên quán nhậu, chúng tôi tìm về ấp Phú Tân, Túc Trưng, Định Quán (Đồng Nai) để gặp một đầu nậu - chuyên thu gom bọ cạp cung cấp cho một số quán nhậu ở Sài Gòn và một số tỉnh lân cận. Đầu nậu là một phụ nữ có tên Tám “mập”. Khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn được bà ở một quán cà phê vì luôn bận đi gom hàng. Bà Tám huỵch toẹt: “Ngày trước chúng nó tìm đến mình năn nỉ mua giùm, nay thì nó bắt mình đến để mua mà còn làm giá, khó khăn lắm”.
Theo bà Tám, nghề săn bọ cạp có từ khoảng chục năm nay khi mà bọ cạp xuất hiện rất nhiều thuộc những khu vực núi đá ở Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai), Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây. Lúc này nhiều người bắt bọ cạp bán cho những người ngâm rượu, sau đó là làm món nhậu. Chẳng biết có tác dụng cường dương như tin đồn hay không nhưng bọ cạp tiêu thụ rất mạnh. Do đó, hàng ngày ở đây có đến cả trăm người đi săn bọ cạp bán lại giá 1.000 -1.500đ/con.
Những ngày cao điểm bà Tám mua tới cả ngàn con. Trung bình một ngày một người săn được khoảng 80 – 150 con. Do thu nhập thuộc loại cao lại không phải đầu tư gì nên có thời điểm đi đâu cũng gặp người săn bọ cạp, lớn có, bé có. “Tuy nhiên, hiện nay bọ cạp đã không còn nhiều. Hiện giá mua lên tới 5.000đ/con tui bán bỏ mối lời được chút đỉnh”, bà Tám nói.
Nguy hiểm
Nhờ bà Tám giới thiệu mối ruột, chúng tôi theo chân một “thợ săn” bọ cạp tên Đăng (28 tuổi), có thâm niên cả chục năm nay. Đăng cho biết, bọ cạp có nhiều ở Định Quán và Tân Phú vì nơi đây có nhiều núi đá, và lớp thực bì dày thích hợp cho bò cạp sinh sống. Nơi bọ cạp ở chúng thường đào thành hang, hoặc nấp trong những kẽ hở của thân cây mục, cũng có khi nó ở những đống mùn trong hốc đá…
Dẫn chúng tôi vào khu vực núi đá thuộc xã Gia Canh, trên đường đi chúng tôi gặp một số người đi Honda vun vút, máng trên xe là những chiếc thùng nhựa. Đăng bảo những thùng đó dùng để đựng bọ cạp. Vác chiếc “sạc lai” (một loại cuốc có ngạnh) bổ phập xuống cái hang bên hông một đống mùn đào bới, một lúc sau đã xuất hiện hai cặp bọ cạp đen trùi trũi to như ngón chân cái. Thấy động, cả bọn giương mắt, cong càng và ngúng ngoáy chiếc nọc độc nhọn hoắt ở đuôi như đe dọa. Đăng khoái chí: “Hên quá, gặp ngay hai cặp. Bình thường bọ cạp chỉ sống từng đôi một (một đực một cái) hoặc một con chứ không sống kiểu bầy đàn. Nếu xuất hiện hai con đực hoặc cái chúng sẽ lao vào cắn nhau tả tơi”.
Mặc dù nhìn bốn con bọ cạp hung dữ vậy, thế nhưng tôi thấy Đăng dùng tay (đeo găng bằng cao su) thoăn thoắt chộp chính xác từng con. Đăng bảo, nếu người mới vào nghề thì dùng kẹp sắt để kẹp nhưng làm như vậy bọ cạp dễ bị thương mà phản ứng, nên dùng găng cao su là khỏe nhất. Ngoài ra, dùng kẹp dễ kẹp hụt lắm do thân bọ cạp trơn bóng và chúng rất khỏe và nhanh.
Tìm hiểu thêm của NNVN được biết, vài năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ món “đặc sản bọ cạp” trở lên phổ biến, ở các huyện như Củ Chi, Hóc Môn, quận 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) đã hình thành một số mô hình nuôi bọ cạp như của anh Thanh Tùng (Củ Chi), Huỳnh Như (Hóc Môn), Tấn Tài (Thủ Đức)... Những nơi này, không chỉ buôn bán con giống mà còn chế biến các món ăn từ bọ cạp.
Đăng kể rằng, làm nghề săn bọ cạp rất nguy hiểm, đã có người “sinh nghề tử nghiệp” với nó. Do bọ cạp chỉ sống ở những khu vực rừng núi, hoặc ẩm ướt rậm rạp, có người đã bổ nhầm phải hang rắn, hoặc đi săn bọ cạp bị rắn độc cắn đổ bệnh mà chết, cũng có khi sơ xảy bị bọ cạp đốt sốt cao. Bản thân Đăng làm nghề săn bọ cạp cũng đã gần chục năm nay từng nhiều lần bị rắn tấn công và bọ cạp đốt ốm cả tuần nhưng may mắn thoát chết. Dẫn chúng tôi lội rừng cả buổi nhưng không phải hang nào bổ vào cũng có bọ cạp. Nhiều hang dấu hiệu có bọ cạp 100%, mất cả chục phút đào đổ mồ hôi nhưng chả có mống nào, hầu hết chỉ gặp giun, rết, sâu đất…
Đăng cho biết, ngày trước thì nhiều vô kể mỗi ngày kiếm được 150-200 ngàn là bình thường dù
giá rẻ. Nay giá bọ cạp tăng, nhiều người đi săn quá nên bò cạp cũng đã khan hiếm. Nói về nghề săn bọ cạp Đăng cho biết thêm, ở Đồng Nai này cứ nghe chỗ nào nhiều bọ cạp là tôi tới bất kể xa xôi. Nhưng năm trước đây bọ cạp nhiều nhất phải kể đến khu vực Tà Lài, Phú Tân (Tân Phú). Nơi đây hàng ngày có khá nhiều người tìm đến săn bọ cạp bán. Tuy nhiên, theo Đăng, bọ cạp là loài côn trùng có chuyên ăn các loại côn trùng, bọ rầy phá hoại cây trồng…không biết có phải là do bọ cạp bị “tận diệt” hay không nhưng vài năm gần đây sâu bệnh liên tục tàn phá mùa màng của bà con nông dân vùng Tân Phú, Định Quán…