Những tiếng khóc phía sau cánh cửa
(VietNamNet) - Những câu chuyện dưới đây được ghi lại khi các nạn nhân đã nếm đủ những đắng cay bởi nạn bạo lực gia đình.
- Những câu chuyện dưới đây được ghi lại khi các nạn nhân đã nếm đủ những đắng cay bởi nạn bạo lực gia đình. Nhưng dư âm và những ảnh hưởng của nó vẫn khiến cho nhiều phụ nữ không thể không lên tiếng...
Chỉ vì cái lỗi sinh con một bề vốn không phải tại chị, lại là nguyên nhân dẫn đến những trận đòn nhừ tử mà thủ phạm lại chính là người chồng đầu ấp tay gối với mình.
Một lần gẫy tay và bao nhiêu lần khác nhập viện vì những trận đánh của chồng chị không thể nhớ hết được. Cả những vết bầm tím của trận đánh trước chưa kịp tan thì lại tiếp tục “đón nhận” những lần “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” tiếp theo của ông chồng phũ phu.
Mái tóc bạc của chị ngày càng thưa thớt, những lúc trái gió trở trời, những vết thương bầm tím trên tay, mặt, cổ và cả người lại hành hạ chị. “Tao đánh cho mày chết”, “mẹ… mày chết đi cho rồi”. Những lời chửi bới, những lời nhiếc móc thậm tệ mà chị không tiện nói hết ra với cán bộ tư vấn, với chị đã trở thành chuyện cơm bữa.
Mặc dù vậy, chị không phải là một trường hợp đặc biệt mà các cán bộ tư vấn cho chị em phụ nữ bị bạo hành gia đình của Hội liên hiệp phụ nữ đã từng gặp phải.
Như trường hợp mà những cán bộ tư vấn ở đây vẫn chưa thể quên. Chị bị mắc bệnh tim, nhưng khi phát hiện phải phẫu thuật, người chồng lại dửng dưng, rồi bắt đầu những lời nhiếc móc: “Bệnh tim là do bố mẹ mày đẻ ra, có phải tao đẻ ra đâu mà bắt tao phải hứng chịu”, và cũng từ đó, người chồng bắt đầu quan hệ trai gái. Mặc dù đau buồn, nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng.
Cho đến một lần, sau khi uống rượu say trở về nhà, anh chồng ép buộc chị phải viết đơn ly hôn, khi chị không đồng ý thì cũng là lúc cả chị và con phải chịu những trận mưa đòn của người chồng. “Hoặc mày phải chết hoặc hai đứa con phải chết”... nói xong, anh ta mua cỗ áo quan để trước nhà khủng bố tinh thần của mẹ con chị.
Hay vẫn còn đó những chị em phụ nữ đang hằng ngày hằng giờ phải sống chung với bạo hành, như trường hợp của chị H. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) mà một cán bộ phụ nữ của phường vừa phải tham gia tư vấn can thiệp về kể lại cho chúng tôi.
Nguyên nhân của những trận đòn bầm tím chân tay mặt mày, hay những lần bị bắt quỳ trước giường cả đêm trong cái giá rét là do người chồng “yếu sinh lý”. Từ xấu hổ đến trở nên cục cằn, và hậu quả là những trận đánh, những trừng phạt vô lý đổ lên đầu người vợ phải gánh chịu.
Ngay cả khi chị H. đưa tiền cho anh ta "đi" với những người con gái khác nhưng không “làm ăn được gì”, anh ta cũng lại về đánh vợ…
Những câu chuyện nhỏ trên đây chỉ là một số trong muôn vàn các câu chuyện về bạo hành gia đình mà từng ngày từng giờ ở đâu đó trên khắp thế giới vẫn có những gia đình đang phải sống chung.
Tại Hà Nội, từ tháng 3/2007, mô hình “Ngôi nhà bình yên” đã được xây dựng. Đây là nơi các chị em phụ nữ, nạn nhân của bạo hành gia đình có thể tạm lánh sau những cơn cuồng nộ của các ông chồng, đồng thời được các cán bộ tâm lý tư vấn hỗ trợ để ổn định về mặt tinh thần.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ VN tại “Ngôi nhà bình yên” thì mới chỉ 10 tháng đầu năm 2009 số nạn nhân của bạo hành gia đình đến trung tâm xin tham vấn đã vượt 130% so với cả năm 2008. Như vậy, có nghĩa là những nạn nhân của bạo hành gia đình vẫn còn rất nhiều trong xã hội.
Vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ bị ảnh hưởng của chế độ trọng nam khinh nữ, đã phải chấp nhận sống cùng bạo lực gia đình trong một thời gian dài, vì không tìm được lối thoát cho bản thân, thậm chí không hề biết mình đang là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tags: