Hậu quả khôn lường từ các bài thuốc lang vườn
Thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi năm trung tâm này phải tiếp nhận, cấp cứu khoảng hơn 100 ca bị ngộ độc nặng do sử dụng thuốc nam, thuốc bắc, nhiều trường hợp đưa đến chậm bệnh nhân đã tử vong...
Chữa bệnh bằng các bài thuốc cổ truyền ngày càng được khẳng định, ngay cả trong thời đại y học hiện đại phát triển và có những thành tựu kì diệu. Ở miền núi, nơi mà người dân khi bị bệnh không thể hoặc chưa có điều kiện chữa trị tại bệnh viện, những bài thuốc gia truyền của người dân tộc đã góp phần cứu sống hàng ngàn người. Tuy nhiên, với kiểu chữa bệnh tùy tiện, với nhiều bài thuốc chưa được kiểm định, không ít những hậu quả đau lòng đã xảy ra từ những bài thuốc của ông lang, bà mế vùng cao...
Không phải thuốc gì của miền núi cũng… bổ!?
Có dịp lên miền núi, chúng ta thường chứng kiến các đoàn khách du lịch ở Sa Pa, Điện Biên, Lạng Sơn hay vào trong Tây Nguyên chẳng hạn…, chen nhau mua những thang thuốc bán ngay tại các điểm du lịch mà chẳng cần biết giá trị thực của nó ra sao.
Các bài thuốc phổ biến ở vùng cao là chữa các chứng bệnh về xương khớp, gan, dạ dầy, sỏi thận, đặc biệt "uy tín" là các bài thuốc chữa bệnh yếu sinh lý ở nam giới. Các bài thuốc theo quảng cáo là "thuốc sung sướng" hay "chồng uống vợ khen" bán chạy như tôm tươi.
Chẳng nói đâu xa, dịp này lên huyện Sa Pa, bên cạnh hơn 100 quầy thuốc đông y quảng cáo thành thần, du khách dễ dàng bắt gặp những người dân tộc rao bán các loại thần dược của đại ngàn, mới chỉ nghe các quí ông đã thấy dường như mình sắp trở thành… nhà vô địch!
Tuy nhiên, xung quanh các "thần dược" miền núi cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Phổ biến nhất là tình trạng ngộ độc do sử dụng thuốc nam, thuốc bắc nói chung, thuốc của các ông lang, bà mế vùng cao nói riêng.
Tang vật thuốc nam không rõ nguồn gốc bị thu giữ.
Cách đây chưa lâu, tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên (Điện Biên) xảy ra một vụ ngộ độc thuốc nam đặc biệt nghiêm trọng. Số là ông Nguyễn Văn T. hành nghề thợ mộc, sau khi đi làm nhà cho một người dân tộc, đã được người này biếu một thang thuốc nam, nghe nói là toàn những thứ thập toàn đại bổ từ đại ngàn. Ông T. đem về ngâm rượu. Gần một tháng sau, nhân ngày cuối tuần, ông rủ 3 ông bạn cùng hai người hàng xóm sang dự bữa cơm thân mật. Bình rượu "quí" được ông khui ra chiêu đãi bạn bè. Nhưng sau bữa rượu trưa hôm đó, lần lượt ông T. rồi cả 5 người bạn đều phải đưa vào viện cấp cứu… Mặc dù bệnh viện đã cố gắng, nhưng 3 người đã tử vong, 3 người còn lại phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, họ được cứu sống nhưng những di chứng thì vẫn còn đến tận bây giờ…
Trong hồ sơ Công an tỉnh Điện Biên hiện còn lưu giữ hàng chục hồ sơ về các chữa bệnh bằng thuốc nam dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trong đó có những vụ chết người.
BS Trần Đức Nghĩa - Trưởng phòng Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận cấp cứu gần chục ca ngộ độc do sử dụng thuốc nam, thuốc bắc của các ông lang, bà mế vùng cao. Nhẹ thì phát ban, mẩn ngứa, nặng thì tụt huyết áp, suy hô hấp, suy thận. Đặc biệt, do nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, người dân vẫn có thói quen sử dụng "luật tục" để xử lí các quan hệ xã hội; không ít vụ chữa bệnh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí chết người nhưng thầy lang - nạn nhân và dân bản đều chấp nhận "đóng cửa bảo nhau" mà không báo cho cơ quan Công an.
Công an phối hợp với Thanh tra Sở Y tế Điện Biên kiểm tra, thu giữ các loại thuốc nam của thầy lang vườn.
Cần siết chặt quản lý
Cho đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc, người ta đã phát hiện và thống kê được trên 10.000 giống thực vật, sinh vật có thể làm thuốc, trong đó chỉ riêng tỉnh Điện Biên và Lai Châu là 580 giống thực vật và 320 loài sinh vật làm thuốc, hơn 1.000 bài thuốc dân gian sưu tầm trong bà con các dân tộc.
Qua khảo sát, hiện nay ở các địa phương này có hàng ngàn lương y, lang y hành nghề chữa bệnh cứu người bằng y học cổ truyền. Hầu hết trong số họ hành nghề từ thiện để cứu người. Nhưng cũng có hàng trăm thầy lang, bà mế hành nghề tự do, không có bất cứ một chứng chỉ hành nghề; các bài thuốc chưa được kiểm định khoa học; kiểu chữa bệnh lạc hậu, cổ hủ, thậm chí còn nhuốm màu mê tín dị đoan. Những vụ ngộ độc, thậm chí là chết người do sử dụng các bài thuốc gia truyền của một số ông lang, bà mế vùng cao là lời cảnh báo và bài học xương máu.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành rà soát, tổng kiểm tra toàn bộ hoạt động của các ông lang, bà mế bản; nghiên cứu, xét duyệt và cấp giấy phép hành nghề - dù là hành nghề nhân đạo cho họ. Thiết nghĩ nếu làm tốt, không những có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đội ngũ này, mà chúng ta còn có cơ hội phổ biến, nhân rộng những bài thuốc quí, kinh nghiệm hay trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền vùng cao, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2010 thuốc y học cổ truyền, phải chiếm tỷ trọng tối thiểu 30% tổng số thuốc được sản xuất và lưu hành trong nước, theo Quyết định số 222 ngày 3/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ
Tags: